Truyện cổ DTTS Quảng Bình thể hiện quan niệm của đồng bào nơi đây về tự nhiên, vũ trụ, về cuộc đấu tranh chống chọi với thiên nhiên và phản ánh tâm trạng xã hội cũng như khát vọng vươn đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, truyện cổ DTTS Quảng Bình còn có các nội dung nhân bản khác là nêu gương đạo đức tốt đẹp, biểu dương tính nhân đạo, khuyến khích con người sống lương thiện, chung thủy, biết thương yêu kẻ yếu, người nghèo, đấu tranh với bất công tàn ác, hoặc các thói hư tật xấu của con người.
Trước hết, chúng ta thấy rằng, trong kho tàng truyện cổ DTTS Quảng Bình, các truyện có nội dung giải thích nguồn gốc vũ trụ xuất hiện không nhiều. Vũ trụ hầu như được mặc nhiên thừa nhận mà không có một lời giải thích nào của các thế hệ ĐBDTTS Quảng Bình truyền thống, thông qua các câu truyện cổ, như một số dân tộc khác. Do đó, phần nhiều các câu truyện cổ DTTS Quảng Bình thường có mở đầu coi vũ trụ như một tiên đề phải chấp nhận: “Pơblời Bớn (trời đất) sinh ra chưa có người mà chỉ có cây cối và muôn loài thú vật…” (truyện Blong Mứn hóa thành người-dân tộc Chứt), “Thuở ấy, người và hoang thú đều ở chung trong một bản rừng…” (truyện Pí trỏ, pí cula-dân tộc Bru-Vân Kiều), hoặc “Ngày xưa, trên trời cũng có người, có đồng, có ruộng như ở trần gian mình…” (truyện Đi làm thầy trên trời-người Nguồn).
Tuy nhiên, với các hiện tượng tự nhiên khác, “cục bộ” hơn, lại được ĐBDTTS Quảng Bình xưa giải thích một cách độc đáo trong rất nhiều truyện cổ tích thần kỳ. Đối với họ, các địa danh, các dấu vết quen thuộc trong làng bản đều có một lý do sinh thành rất cụ thể. Địa danh Eo Ông Đùng hình thành nên từ một cuộc chiến giữa ông Đùng, một người khổng lồ, với thằng Sắt (truyện Eo ông Đùng). Núi Cu Lôông sở dĩ linh thiêng là do đã trợ giúp con người thoát hiểm trước một trận đại hồng thủy (truyện Sự tích núi Cu Lôông), và một loạt các địa danh khác: Hang vua Ton, thác Bụt, lèn Lục Cục, làng Sạt, hang mụ Đá bạc…, đều được lý giải bằng những tư duy dân gian hồn nhiên, nhưng không kém phần thú vị.
Đặc biệt, người Chứt, người Nguồn xưa tập trung trí tuệ nhiều nhất vào việc giải thích vì sao địa bàn cư trú của mình nhiều núi non. Nhiều truyện cổ của người Chứt, người Nguồn có cùng một mô típ là giữa núi và biển tranh giành nhau, xâm thực nhau, nhưng đã mắc mưu một con chim bạc đầu, nên hầu hết núi đồi dừng lại ở địa bàn đồng bào đang ở, tạo nên địa dư đồi núi như ngày nay. Đây chỉ nên xem là một dạng dị bản thường tình trong văn học dân gian, tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng, trong các loại truyện giải thích tự nhiên, không có một truyện nào khác có nhiều dị bản trong một không gian văn hóa chật hẹp như vậy.
Trong vốn truyện cổ DTTS Quảng Bình có rất nhiều truyện kể về các loại động vật, từ các con vật hiền từ thân thuộc (mèo, chó, tắc kè, mang, đa đa…), đến các loài hoang dã (hổ, báo, rắn độc, bò tót, mụ cá chằn…). Các truyện cổ này có nội dung phản ánh đặc điểm các loài vật, giải thích các nghi lễ, tín ngưỡng liên quan tới con vật, thông qua các tình huống kiện cáo trời, hại người, cứu người và nhiều tình huống phong phú khác trong đời sống thường nhật đầy cam go của đồng bào. Thông qua hệ thống truyện cổ về loài vật dưới hình thức ngụ ngôn, ta thấy ĐBDTTS Quảng Bình xưa muốn trao truyền cho các thế hệ mai sau những tri thức sơ khai về thế giới tự nhiên, gắn liền với nghi thức tín ngưỡng để vừa khắc phục nỗi sợ tự nhiên, sử dụng tự nhiên, vừa ghi nhớ nhằm thực hành nghi lễ tín ngưỡng cộng đồng.
Còn về nguồn gốc loài người, truyện cổ Chứt, Nguồn bên cạnh việc cho rằng là do Pụt (Bụt) sinh ra cái bọc có hai trứng, nở ra thành hai người, sau thành hai dân tộc: Chứt và người miền xuôi (truyện: “Sự tích các dân tộc”, “Một cái trứng nở ra ba anh em”, “Sự tích trận lụt lớn”, “Sự tích núi Cu Lôông”), thì lại lý giải sự ra đời của dân tộc mình một cách “duy vật” hơn: Người Chứt ra đời từ một loài khỉ (Blong mứn), thông qua lao động.
Theo quan niệm của người Chứt, khỉ Blong mứn không đuôi, trong quá trình vật lộn để sinh tồn, từ loài thú đi bốn chân đã tự tập đi bằng hai chân, tìm và chế tác ra công cụ lao động, ngẫu nhiên tìm ra lửa, biết ăn thức ăn chín..., tựa như chu trình sơ giản của một học thuyết về nguồn gốc loài người. Tuy nhiên, những khâu còn lại để hoàn thiện con người, tư duy sơ khai của người Chứt-Nguồn truyền thống cũng không thể vượt qua khỏi thẩm mỹ folklore thời đại: Sự rụng lông của loài khỉ là do tro nứa dính vào bắt đầu từ miệng, bàn tay và sau đó bôi lên cả người, trừ đầu, để làm tóc che nắng, từ đó loài khỉ Blong mứn bỗng chốc trở thành người! Trong khi đó, ở truyện cổ giải thích nguồn gốc loài người của tộc người Sách (thuộc dân tộc Chứt) có một chi tiết đáng chú ý là người Sách ăn thịt cả Blong mứn-vật tổ của mình. Như vậy, phải chăng, trong riêng người Sách không có hình thức tô tem giáo?
Về nguồn gốc các dân tộc, truyện cổ DTTS Quảng Bình tập trung giải thích nhiều hơn. Cũng như một số các dân tộc khác, hầu hết các truyện giải thích nguồn gốc các DTTS ở Quảng Bình đều có chung một mô típ: Lũ lụt-[nam (anh)+nữ (em)]-tộc người, nhưng trong chi tiết lại có những xử lý khác biệt: Mặc dù các đôi nam-nữ duy nhất còn sót lại sau các trận đại hồng thủy trong các truyện cổ này đều là hai anh em ruột, nhưng tuyệt nhiên họ không kết hợp thành chồng vợ như trong truyện cổ của một số các dân tộc khác.
Để tiếp tục nòi giống và từ đó hình thành các dân tộc, truyện cổ DTTS Quảng Bình có một cách xử lý khá độc đáo: Người anh ăn trầu, dùng bã trầu ném vào chỗ đầu gối gập lại của người em gái, từ đó sinh ra những cái trứng và trứng nở ra người, hình thành các dân tộc khác nhau. ĐBDTTS Quảng Bình truyền thống đã khôn khéo sử dụng “cơ chế trung gian” là đầu gối gập lại như một sinh thực khí người nữ có chức năng sinh sản và các quả trứng để xa lánh sự loạn luân mà luật tục tộc người ngăn cấm, nhưng vẫn thừa nhận các dân tộc có chung một nguồn gốc ruột thịt để qua đó cố kết cộng đồng, cùng nhau tồn tại trong thân thiện.
Cũng có một số truyện cổ khác giải thích nguồn gốc các dân tộc đi lạc khỏi mô típ quen thuộc này của chính họ. Chẳng hạn truyện “Người Chứt mất chữ, mất họ” kể rằng người Chứt và người miền xuôi có được là nhờ Pụt (Bụt) sinh ra hai cái trứng và nở ra họ như một tiền định. Trong khi đó, truyện Người Mày và người Nguồn con một nhà mà ra lại khẳng định một cách “duy vật” rằng họ sở dĩ trở thành hai tộc người khác nhau là do điều kiện sống tạo nên, mặc dù họ trước kia đều cùng chung cha mẹ.
Truyện cổ DTTS Quảng Bình ngoài ra còn thường lấy tính nhân đạo, hạnh phúc con người, lấy tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, làm cảm hứng sáng tạo (các truyện: Kơi lụ ma, Niềng Phuôm hom, Tiền Alê Piềng riềng...). Trong đó, qua tâm hồn lãng mạn của các tác giả dân gian, những con người sống chung thủy, những tâm hồn lương thiện, cũng như những mối tình say đắm, thậm chí ngang trái đều được cộng đồng hết mực ngợi ca. Bên cạnh đó, các hành vi đi ngược lại đạo đức truyền thống của cộng đồng, sự ích kỷ, tham lam, độc ác, đều bị lên án (Truyện: Rú rộc Xađie, Sự tích chim thù thì, Niềng Trê, Mụ cá chằn...).
Tuy nhiên, truyện cổ các DTTS Quảng Bình còn thiếu vắng các truyện kể về những anh hùng chinh phục tự nhiên, sáng tạo văn hóa, mặc dù người Chứt có cho rằng mình từng có chữ viết từ lâu do Pụt (Bụt) ban cho, nhưng vì bảo quản không tốt nên đã bị thất truyền (Truyện: Người Mày mất chữ mất họ-dân tộc Chứt). Hoặc như truyện Người Mày và người Nguồn con một nhà mà ra có đề cập đến một cuốn “sách phép” dạy các cách phù phép thổi chữa bách bệnh do chính tổ tiên họ biên soạn, nhưng đây cũng chỉ là sự “ngụy biện” yếu ớt để giải thích sự chậm phát triển của mình so với một số dân tộc khác.
Tóm lại, tuy kho tàng truyện cổ DTTS Quảng Bình chưa phong phú như nhiều DTTS khác trong cả nước, nhưng nó phần nào phản ánh lịch sử tộc người, khát vọng của con người muốn sống chan hòa với tự nhiên, cải tạo xã hội để giành lấy cuộc sống bình yên hạnh phúc, đồng thời nó cũng thể hiện quan niệm của đồng bào về những phạm trù mỹ học chân, thiện, mỹ, cao thượng. Truyện cổ DTTS Quảng Bình vì thế có những giá trị thẩm mỹ, giá trị về dân tộc học nhất định.