Sách về với vùng biên
Sáng. Con đường từ bản Mò O Ồ Ồ xuống điểm Trường tiểu học (TH) và THCS xã Thượng Hóa (Minh Hóa) dường như ngắn hơn thường ngày. Những bước chân của Cao Thị Linh, học sinh lớp 9 cũng chộn rộn hơn. Linh thích đọc sách nhưng với những đứa trẻ lớn lên nơi bản làng heo hút như em, sách vẫn chỉ là nỗi thèm thuồng. Nên khi biết tin hôm nay có thư viện lưu động đưa sách đến với điểm trường, Linh và các bạn mừng vui khôn tả.
Có lẽ chưa khi nào, điểm trường nơi bản làng nằm lọt thỏm giữa tứ bề núi đá này lại đông vui đến thế. Niềm háo hức tỏa lan trên từng gương mặt đen sạm. Với các em học sinh đồng bào Rục nơi này, thiếu thốn về vật chất là điều hiển nhiên, tuy nhiên, so với bạn bè đồng trang lứa ở miền xuôi, đời sống văn hóa, tinh thần của các em cũng là một khoảng trống cần lắm nỗ lực để lấp đầy.
Thấu hiểu được điều đó, được sự đồng hành của Thư viện tỉnh, Hội Phụ nữ Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh đã tổ chức chương trình “Sách đến với xã vùng biên”. Trường phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) là điểm đến đầu tiên trong hành trình yêu thương mang tri thức đến với bà con nhân dân và lực lượng Công an xã tại 9 xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đó là xã Trọng Hóa và Thượng Hóa (Minh Hóa)-nơi mà những cuốn sách bé nhỏ vẫn là niềm ao ước, mong mỏi lớn lao. Trên hành trình ấy, đi đến đâu, những chuyến xe lưu động đầy ắp tri thức cũng nhận được sự hào hứng, phấn khởi của các em và cán bộ, bà con ở đó. “Các cô, các chú đã mang đến cho chúng em những quyển sách hay, mới mẻ và phù hợp với lứa tuổi. Chúng em có thể tiếp cận với nguồn sách một cách thoải mái nhất”, em Cao Thị Linh hào hứng.
Cuộc sống của những em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số nơi bản làng heo hút thiếu thốn đủ bề. Không có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các phương tiện hiện đại, như: Điện thoại, máy tính nên học sinh vẫn dành sự yêu thích đặc biệt với sách. Thầy giáo Phan Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Thượng Hóa cho biết, trường cũng có thư viện nhưng chỉ đáp ứng một phần nào đó nhu cầu đọc của các em. Nên khi có hoạt động mang sách đến với trường, học sinh rất hào hứng. Đây thực sự là cơ hội quý để các em được tiếp cận tri thức, gom góp dần kỹ năng sống, kỹ năng thực hành trong học tập và trong cuộc sống, rút ngắn dần khoảng cách trong tiếp cận văn hóa tri thức giữa học sinh miền xuôi với miền ngược.
Cùng với việc mang sách đến với các em học sinh tại những điểm trường, chương trình “Sách đến với xã vùng biên” còn hướng đến đối tượng là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Những cuốn sách được lựa chọn phù hợp với đối tượng, giúp bà con có thể áp dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, ứng dụng kỹ thuật vào nuôi trồng, sản xuất ngay tại địa phương. Qua đó, khuyến khích phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu, thói quen học tập suốt đời của người dân, góp phần nâng cao kỹ năng lao động, trình độ dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo trung tá Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh, tại các xã vùng biên giới-nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số, việc tiếp cận và tra cứu miễn phí nguồn sách báo, đặc biệt là với học sinh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, hành trình “Sách đến với xã vùng biên” là giải pháp thiết thực mang sách đến gần hơn với đồng bào. Cùng với hoạt động xe thư viện lưu động, Công an tỉnh cũng tặng tủ sách pháp luật cho lực lượng Công an xã các địa phương biên giới với mong muốn giúp cán bộ, chiến sĩ tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và vận dụng đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tế công tác. Nắm bắt pháp luật, cán bộ, chiến sĩ sẽ tự tin hơn để tuyên truyền kiến thức đến bà con dân bản.
“Sau khi kết thúc hành trình “Sách đến với xã vùng biên”, chúng tôi sẽ phối hợp với Thư viện tỉnh mở rộng địa bàn, mang sách đến với những xã còn nhiều khó khăn. Mong muốn trong tương lai sẽ nhân rộng ra tất cả các địa phương trên toàn tỉnh để lan tỏa văn hóa đọc đến cán bộ, nhân dân và học sinh. Bởi đưa tri thức, lan tỏa văn hóa đọc chính là cách hỗ trợ mang giá trị bền vững nhất”, trung tá Nguyễn Thành Tâm chia sẻ thêm.
Lan tỏa và truyền cảm hứng
“Trên đời này, có ba thứ mà người khác không cướp được từ chúng ta: Một là thực phẩm đã ăn vào dạ dày, hai là lý tưởng giấu trong tim và ba là cuốn sách đã in vào não bộ”, cô thủ thư Nguyễn Thị Nguyệt, cán bộ Thư viện tỉnh đã bắt đầu cuộc trò chuyện với học sinh Trường tiểu học Quảng Long (TX. Ba Đồn) bằng những lời nhẹ nhàng mà sâu sắc như thế. Bên dưới sân trường, những đôi mắt đen tròn, chăm chú lắng nghe từng lời giới thiệu như thể muốn nuốt từng lời, từng chữ. Các em háo hức kéo nhau đến bên chiếc xe lưu động, tìm cuốn sách yêu thích rồi chuyền tay nhau, say sưa đọc.
Chương trình “Sách về với xã vùng biên” đến với các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều năm qua, đã có hàng chục chuyến xe lưu động như thế đến với các em học sinh, người dân trên địa bàn tỉnh. Xe vượt con đường gập ghềnh lên với học sinh vùng biên giới, xe xuôi lối đi len giữa những làng cát ra với bà con vùng biển khó. Bà Trương Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, ngoài việc tổ chức hoạt động đọc sách tại thư viện, thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên tổ chức các chuyến xe lưu động chở sách đến phục vụ bạn đọc ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng đến đối tượng học sinh tại trường học.
“Chúng tôi muốn tạo cho các em có thói quen đọc sách khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ đó, lan tỏa văn học đọc đến cộng đồng nhiều hơn. Phải đi đến những nơi khó khăn mới thấy bà con, các em khao khát đọc sách như thế nào, điều đó khiến chúng tôi càng trăn trở phải làm sao để những chuyến xe lưu động đến được nhiều hơn với bà con”, Giám đốc Thư viện tỉnh Trương Thị Quỳnh Anh chia sẻ.
Hướng đến Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), thông qua hoạt động “Ngày hội đọc sách”, Thư viện tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến xe lưu động đến các trường học trên địa bàn tỉnh. Họ luôn nỗ lực để bồi đắp tình yêu sách cho các em, mong học sinh hiểu rằng giá trị từ sách là vô giá, là không gì đo đếm được.
“Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn một bài giới thiệu ngắn gọn. Nhưng khi đứng trước học sinh, nhìn thấy sự háo hức bên trong ánh mắt các em, chúng tôi lại thêm hào hứng, rồi cứ thế hòa với không khi đó bằng những chia sẻ cởi mở nhất. Tưởng mình là người truyền cảm hứng vậy mà chính các em mới thực sự là người mang đến cảm hứng cho chúng tôi”, chị Nguyễn Thị Nguyệt bộc bạch.
Ngược nắng, ngược gió, vượt quãng đường xa ngái, chuyến xe chuyên chở tri thức lại tiếp tục hành trình đến với những vùng khó. Vất vả nhưng những người làm công tác thư viện vẫn miệt mài trên các cung đường. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, sách chính là tri thức. Và tri thức tựa như ngọn lửa ấm, một khi được tỏa lan sẽ càng trở nên có giá trị