Chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa-thể thao: Cần những giải pháp đồng bộ

Thứ sáu - 13/01/2023 03:02 Đọc văn bản audio
Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện lộ trình chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng phát triển mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực văn hóa-thể thao (VH-TT), thời gian qua, ngành VH-TT đã quan tâm triển khai các hoạt động nhằm từng bước khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ CĐS.
Chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa-thể thao: Cần những giải pháp đồng bộ
Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về tầm quan trọng của CĐS, Sở VH-TT đã tăng cường công tác tuyên truyền và khai thác, sử dụng bộ nhận diện CĐS quốc gia. Nội dung thông tin tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác CĐS và Ngày CĐS quốc gia 10/10; giới thiệu những mô hình hay, cách làm mới của các cơ quan đơn vị về CĐS…
      Việc quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động ứng dụng CNTT, CĐS từng bước được chú trọng. Sở đã chuyển toàn bộ địa chỉ giao thức internet thế hệ cũ (Ipv4) sang sử dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (Ipv6); duy trì một số modem phát sóng wifi phục vụ truy cập internet không dây; đồng thời duy trì đường truyền mạng cáp quang với tốc độ 50 Mbyte và có các biện pháp bảo đảm an toàn an ninh thông tin tại đơn vị.
      Đến nay, Sở VH-TT đã triển khai thực hiện hiệu quả các chức năng, tính năng của Cổng dịch vụ công/hệ thống thông tin một cửa điện tử, hệ thống quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; hệ thống quản lý lưu trữ lịch sử điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý văn bản, điều hành… và ứng dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ. Đơn vị cũng tổ chức lựa chọn, xây dựng, phát triển, triển khai các ứng dụng, dịch vụ CĐS quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực theo hướng trọng tâm, trọng điểm…
      Cùng với việc rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ phụ trách CNTT, đơn vị còn chú trọng các hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ, ứng cứu các hệ thống thông tin theo mô hình 4 lớp, bảo đảm khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt, giảm thiểu nguy cơ, đe dọa mất an toàn thông tin trên không gian mạng và có các giải pháp phòng ngừa, ứng phó khi có sự cố xảy ra trên hệ thống của ngành.
       Sở cũng đã đầu tư thiết bị, phần mềm, hệ thống giám sát bảo đảm an toàn thông tin và cơ sở dữ liệu; triển khai một số dịch vụ cung cấp thông tin cập nhật về nguy cơ tấn công mạng và các dịch vụ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ. Ngoài ra, đơn vị còn tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức tham gia những khóa học, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, CĐS; tham gia triển khai phát triển các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh dùng chung trên địa bàn tỉnh.
      Thư viện tỉnh là một trong những đơn vị triển khai khá hiệu quả hoạt động ứng dụng CNTT, CĐS của ngành VH-TT. Ông Nguyễn Bá Tước, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho hay: Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện CĐS, tạo sự chuyển mình của thư viện trong cuộc cách mạng 4.0, thư viện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, triển khai ứng dụng CNTT một cách toàn diện trong mọi hoạt động. Thư viện đã đầu tư hệ thống máy chủ, máy trạm, hệ thống mạng, thiết bị mạng và bảo mật an toàn dữ liệu.
        Đơn vị còn có các phầm mềm quản lý thư viện điện tử, quản lý tài liệu số mã nguồn mở Dspace, xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử nhằm giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên của đơn vị. Đây cũng là đầu mối thông tin liên kết giữa bạn đọc và thư viện trong thời công nghệ số. Thông qua trang thông tin điện tử, đơn vị đã thường xuyên cập nhật các thông tin bổ ích để cung cấp cho bạn đọc.
      Qua đó, bạn đọc dễ dàng tìm kiếm các cuốn sách, tư liệu cần thiết cũng như các thủ tục về cấp thẻ, mượn, trả sách. Hiện tại, thư viện đã xây dựng cơ sở dữ liệu sách với 32.210 biểu ghi thư mục, CĐS 1.313 tài liệu số, 267 video với đầy đủ các nội dung về lịch sử, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, tài liệu về địa phương, danh nhân văn hóa, lịch sử của địa phương.
     Tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh, hoạt động CĐS được khởi đầu bằng việc số hóa 55 di tích cấp quốc gia và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện số hóa các di tích cấp tỉnh. Bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh cho hay: Do khó khăn về kinh phí nên đơn vị chưa triển khai được việc số hóa các hiện vật, tư liệu bảo tàng, cơ sở hạ tầng; thiết bị phục vụ cho hoạt động CĐS còn nhiều bất cập.
     Năm 2023, tùy vào nguồn kinh phí được cấp, bảo tàng sẽ tiến hành đầu tư trang thiết bị, thực hiện số hóa các di tích, hiện vật, tư liệu, ưu tiên các các di tích tiêu biểu và hiện vật tư liệu đang được trưng bày nhằm tạo ra những thay đổi tích cực trong việc khai thác, quảng bá văn hóa, di sản.  
     Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc thực hiện CĐS của ngành VH-TT vẫn còn không ít khó khăn, như: Thiếu kinh phí đầu tư cho phát triển CNTT, CĐS, thiếu nhân lực và chưa có trụ sở ổn định…
     Trước thực trạng đó, ngành VH-TT đã đề ra nhiều giải pháp, từng bước khắc phục khó khăn trong thực hiện CĐS. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành VH-TT sẽ tập trung nguồn lực nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT, tăng cường ứng dụng CNTT.
     Ngành sẽ lựa chọn triển khai các ứng dụng, dịch vụ CĐS quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực theo hướng trọng tâm, trọng điểm, từng bước xây dựng phát triển chính quyền số toàn diện, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của đơn vị lên môi trường số…

Nguồn tin: baoquangbinh.vn (Nh. V)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây